Sữa hạt không chỉ thơm ngon mà còn dễ nấu. Song, không phải ai cũng biết cách nấu sao cho đúng chuẩn đâu. Giờ bạn hãy cùng Rapido tìm hiểu bí quyết kết hợp các loại hạt khi nấu sữa vừa béo mịn lại không bị tách nước, kết tủa nhé.
Cách phân loại các loại hạt
Bạn cần phân loại hạt trước khi chọn hạt và nấu sữa để công dụng của chúng sẽ được phát huy cao hơn. Bạn có thể phân chia hạt theo 2 tiêu chí phân loại như sau:
Đặc tính tự nhiên của hạt
Loại 1: Theo tính chất hạt
Hạt có tính dẻo, sánh: diêm mạch, đậu đỏ, kê,….
Hạt không có tính dẻo, sánh: óc chó, macca, hạnh nhân, hạt điều,….
Loại 2: Theo chất dinh dưỡng hạt
Hạt giàu chất béo và omega 3: óc chó, mè, hạnh nhân, hạt bí,….
Hạt giàu vitamin và khoáng chất: kỷ tử, yến mạch, kê, các loại họ đậu,….
Phân loại theo chu trình nấu sữa hạt
Ngoài ra, nấu sữa hạt thường có 2 chu trình: “ngâm – xay – lọc – nấu” hoặc “ngâm – nấu – xay – lọc”. Vì vậy bạn nên hiểu đặc tính từng loại hạt để quyết định có nên nấu hay không cần nấu lại sau khi lọc. Một vài loại hạt có vỏ có thể ăn sống như: hạnh nhân, óc chó, macca,… thì có thể không cần đun nhằm giữ được dinh dưỡng ban đầu.
Nhóm 1: Các loại hạt cần nấu chín: họ đậu (đậu xanh, đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen,…), hạt sen, lạc,….
Nhóm 2: Các loại hạt không cần nấu chín (có thể xay hạt và pha cùng với nước lọc là có thể thưởng thức): hạt điều, hạnh nhân, hạt bí, macca, yến mạch cán dẹt,….
Cách kết hợp các loại hạt
Sau khi đã nắm rõ các nhóm hạt rồi thì hãy học ngay cách kết hợp các loại hạt thật khoa học để đổi món mỗi ngày nhé:
Nhóm 1: Kết hợp các hạt không cần nấu chín với nhau như: yến mạch + mè đen, óc chó + mè đen, hạt điều + hạt bí, hạnh nhân + mè,….
Nhóm 2: Kết hợp các hạt cần nấu chín với nhau như: gạo lứt + hạt sen, gạo lứt + nếp cẩm,….
Nhóm 3: Kết hợp các hạt có tính sánh như: nếp cẩm + mè đen, đậu cúc + mè đen, đậu gà + diêm mạch,….
Nhóm 4: Kết hợp các hạt có tính trong như: yến mạch + hạt sen, hạnh nhân + óc chó, đậu phộng + hạt bí, hạt phỉ + yến mạch,…
Nhóm 5: Kết hợp các hạt giàu vitamin, khoáng chất cùng các hạt giàu chất béo như: óc chó + yến mạch, hạt bí + yến mạch,….
Nhóm 6: Kết hợp các hạt với vài loại rau củ quả như: hạt điều + cà rốt, macca + khoai lang, hạnh nhân + nghệ, óc chó + cà rốt, macca + sắn dây,….
Lưu ý: Bạn không nên kết hợp các hạt có tính sánh và trong lại với nhau bởi dễ bị tách nước. Ngoài ra, nếu bạn muốn kết hợp hạt (cần nấu chín) với hạt (không cần nấu) thì cần phải nấu chín các hạt cần nấu trước, rồi mới đem xay với hạt không cần nấu.
Một số lưu ý khi nấu sữa hạt
– Bạn nên chọn hạt thô còn tươi mới, không hỏng mốc, đã được tiệt trùng và chưa rang tẩm gì hết nha. Việc này sẽ giúp hạt có thể bảo quản lâu hơn và tốt hơn nhiều về giá trị dinh dưỡng cũng như vệ sinh nữa đó. Đồng thời, bạn cũng nên chọn hạt còn chứa lớp vỏ lụa và bạn hãy bỏ vỏ sau khi ngâm nhé.
– Không phải loại hạt nào cũng cần ngâm cũng như không phải thời gian ngâm nào cũng như nhau đâu. Ví dụ như hạt macca, hạt dẻ, hạt thông,… thì bạn không cần ngâm bởi hàm lượng chất béo cao. Nếu ngâm sẽ tác động không tốt đến hạt cũng như chất lượng sữa cũng bị giảm xuống.
– Trong lúc ngâm, bạn nên cho thêm chút xíu muối (nhằm ngăn vi khuẩn xâm nhập) và thay nước tầm 1 – 2 lần, nhất là vào mùa hè. Bởi không thay nước sẽ dễ làm sữa bị chua và nhanh hư đó nha. Nếu bạn không thể thay nước thường xuyên thì có thể ngâm hạt trong ngăn mát tủ lạnh nè.
– Các loại hạt như hạnh nhân, hạt sen, óc chó, dừa, đậu nành khi nấu sữa cần phải đun với lửa nhỏ và khuấy đều. Nếu để sữa sôi mạnh thì sẽ bị vón cục đấy. Ngoài ra, óc chó và hạnh nhân là những hạt nhiều bột nên khi nấu sôi sẽ dễ bị tách nước, kết tủa. Do đó, nếu như trong sữa hạt bạn nấu có thành phần hai loại này thì sau khi ngâm, bạn nên xay với nước ấm hoặc nước đun sôi và uống luôn.
– Còn đối với hạt mè, đậu phộng, hạt bí thì sau khi ngâm, bạn nên rang lên để hạt thơm, khử mùi dầu rồi mới xay và lọc sữa. Nếu khi rang lên xay thành sữa bằng nước ấm thì có thể không cần nấu lại.
– Về chất làm ngọt khi nấu sữa hạt, bạn nên thay thế đường thông thường bằng các thành phần tự nhiên như: Các loại trái cây (chuối, táo, lê,…), quả chà là, mạch nha, đường dừa, đường thốt nốt, mật mía,…. Một số nguyên liệu có thể thêm vào khi nấu sữa như: hương vani, lá dứa, bột quế, gừng, nghệ,… vừa tạo mùi vị hấp dẫn, vừa tăng tính chống oxy hóa rất tốt.
– Sữa hạt sau khi nấu xong thì nên đựng trong chai đã được tiệt trùng, tốt nhất là chai thủy tinh và bảo quản tầm 2 – 3 ngày ở ngăn mát tủ lạnh.
Hy vọng qua chia sẻ trên đây, bạn sẽ biết cách làm sữa từ các loại hạt vừa béo mịn lại không bị tách nước, kết tủa nhé. Giờ bạn hãy mau lưu lại công thức và cùng Rapido vào bếp trổ tài cho cả nhà thưởng thức ngay nha.